Không phải cứ sai là có thể sửa, Nhìn sâu để phát khởi tình thương

Không phải cứ sai là có thể sửa

  1. Không phải cứ sai là có thể sửa. Có những lỗi lầm ban đầu ta chỉ vô tình không ngờ tới nhưng lại gây ra hậu quả khôn lường. Mất việc, mất nhà, thậm chí có thể mất vợ con.
  2. Không phải cứ sai là có thể sửa. Nói lời xúc phạm nóng giận thì sướng miệng, thế còn tổn thương của người nghe ai bù đắp cho đây?
  3. Không phải cứ sai là có thể sửa. Lừa dối, phản bội, ừ, người ấy có thể tha thứ cho bạn nhưng những vụn vỡ trong tim sao có thể xóa bỏ.
  4. Không phải cứ sai là có thể sửa. Một hợp đồng quan trọng, một thương vụ của công ty. Chỉ vì lỗi sai của bạn mà tan thành mây khói. Tổn thất sao có thể đền bù đơn giản bằng tiền.
  5. Trên đời này, có những chuyện một khi đã sai là sai. Làm bất cứ điều gì cũng không thể như cũ. Cái giá phải trả có thể là sự hối hận cả đời day dứt khôn nguôi.
  6. Ai biết được nghỉ học một buổi không điểm danh là phải trượt môn học thẳng cẳng?

Ai biết được bản thân không nghe máy lúc ấy lại lỡ mất lời dặn cuối cùng của mẹ?

Ai biết được một phút đi muộn là cơ hội làm việc ở nơi mình hằng mơ ước cũng đi tong?

  1. Chỉ vì sự bất cẩn của bản thân mà cái giá quá đắt. Vậy nên bạn à, làm ơn hãy cân nhắc trước khi thực hiện bắt tay vào bất cứ việc gì dù là nhỏ nhất.
  2. Trân trọng từng phút giây, khoảnh khắc mình đang sống, từng người mình đang ở bên, từng cơ hội mình đang có. Để bản thân hiểu và cân nhắc, chuyện gì mình nên, chuyện gì không nên làm.

Người đến với bạn vì tiền, hết tiền sẽ rời đi.

Người đến với bạn vì danh, hết danh liền biến mất.

Người đến với bạn vì sắc, sắc tàn phai liền chạy theo kẻ khác.

Vậy đấy, chúng ta cứ nghĩ có tiền tài, có danh vọng, có sắc đẹp là có tất cả. Nhưng những thứ đó bạc bẽo vô thường, nay còn mai mất. Cuộc đời vì vậy, mà cười hả hê thì ít, nước mắt lặn sâu chảy thành biển khổ trầm luân thì nhiều.

Khi nhận ra lòng người, bạn cũng đừng vội buồn khổ. Coi như cơ duyên giúp ta lĩnh ngộ.

Thấu hiểu thêm về nhân sinh và về chính mình.

Khi bạn có đức hạnh, người đức hạnh sẽ gặp.

Khi bạn có lòng từ bi, người từ bi sẽ nhận ra bạn.

Khi bạn có chân thành, người chân thành sẽ nhận được và ở lại.

Những người bạn lành như vậy, mới giúp ta thêm tiến bộ. Cuộc sống với những người an lành như vậy, mới có thể bớt đi rất nhiều, những trầm luân của một kiếp làm người.

Chúng ta cần phải biết ơn khổ đau vì khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh, để ta có thể phát tiết hết khả năng sinh tồn tiềm ẩn của mình:

– Nếu không bị lạc đường, ta sẽ khó biết rằng mình vốn rất sợ hãi.

– Nếu không bị người khác xúc phạm, ta sẽ khó biết rõ mức độ nóng giận của mình.

– Nếu không bị dối gạt, ta sẽ khó biết mình cũng rất dễ tổn thương.

– Nếu không bị bỏ rơi, ta sẽ khó thấy được tính yếu đuối và dựa dẫm của mình.

Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn.

Chính nhờ bản năng sinh tồn biểu hiện mà giúp ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo ra khổ đau. Để từ đó, giúp ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và nếp sống của mình sao cho hài hòa với sự vận hành của vũ trụ, và nhờ đó mà hiểu biết tình thương trong ta bừng nở.

Ta có thể đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại mà không còn lo sợ những nghịch cảnh bất ngờ. Có thành thì có bại, có hợp thì có tan. Khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi. Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn.

Nhìn sâu để phát khởi tình thương

Khi ăn cơm, nhìn món ăn trên bàn, hãy thấy cả quá trình đi chợ, gửi xe, lựa rau, chọn củ, về nhà, gọt rửa, nấu nướng, chiên xào, dầu nóng, mồ hôi rịn trên trán, nêm nếm tới lui… để thấy thương người nấu. Để thấy món ăn này không chỉ là một món ăn, mà là một món quà đáng trân quý. Để không chê này, không bình phẩm nọ. Thay vào đó, ta thấy biết ơn.

Khi nhận được một tin nhắn hỏi thăm, hãy thấy cả quá trình họ nhớ đến chúng ta, họ nghĩ về chúng ta, họ suy nghĩ nên nhắn gì đến chúng ta, và thấy cả bàn tay bấm từng chữ, từng từ… để thấy trân quý tin nhắn họ dành cho chúng ta.

Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy tài xế không chỉ là tài xế, mà còn là một người đang mưu sinh kiếm sống nuôi vợ con.

Khi tập nhìn sâu, ta sẽ thấy người phục vụ bàn trong quán nước không chỉ là phục vụ, mà còn là một sinh viên đang vất vả làm thêm để có tiền sinh hoạt và lo toan đóng học phí đúng kì.

Nhìn sâu – chúng ta sẽ thấy được rằng ai cũng đang phải chiến đấu trong cuộc đời của họ. Để thấy thương, để thấy cảm thông, bỏ qua cái gì có thể bỏ qua.

Hãy tập nhìn sâu vào bữa cơm của Mẹ, cái áo của Cha, quá trình đi làm của Vợ hay Chồng, mái tóc bù xù của Vợ, tin nhắn của bạn bè, món quà mà chúng ta từng nhận được… và nhìn sâu đằng sau con người mà chúng ta tiếp xúc, để nhận ra rằng, có nhiều thứ sâu sắc xung quanh mà trước giờ, chúng ta chỉ biết nhìn hời hợt mà thôi.

Từ Bi của Đạo Phật không phải là những lời nói suôn mà được bắt đầu từ cái nhìn thật sâu vào những gì đang hiện hữu chung quanh cuộc sống..

Nguồn: https://suna.vn/khong-phai-cu-sai-la-co-the-sua-nhin-sau-de-phat-khoi-tinh-thuong/

Post navigation

Leave a Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *