?Vingroup công bố giải thưởng toàn cầu VinFuture – Giải thưởng cho lĩnh vực Khoa học & Công nghệ đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là 1 trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới
Quỹ VinFuture được sáng lập bởi Tỷ Phú Phạm Nhật Vượng & Phu nhân là Bà Phạm Thu Hương
Sứ mệnh của Giải thưởng là "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái Đất bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ”. Vì vậy, Giải thưởng VinFuture tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi – tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại như: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Về cơ cấu, hàng năm Giải thưởng VinFuture có 01 Giải thưởng chính và 03 Giải Đặc biệt, với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu đô la Mỹ).
Nhằm khuyến khích sự đa dạng, sự công bằng về cơ hội và hướng tới tương lai, Quỹ VinFuture cũng trao Ba Giải Đặc biệt mỗi giải trị giá 11,5 tỷ đồng mỗi năm, tương đương 500.000 đô la Mỹ, bao gồm:
• Giải VinFuture Đặc biệt cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh đến từ các nước đang phát triển. Đây là giải thưởng toàn cầu có giá trị lớn nhất dành riêng cho các nhà khoa học đến từ những quốc gia mà điều kiện nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội các nhà khoa học được tôn vinh ở cấp độ này còn hạn chế.
• Giải VinFuture Đặc biệt cho tác giả của nghiên cứu hoặc sáng chế, phát minh là phụ nữ. Đây là giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới dành riêng cho các nhà khoa học nữ.
• Giải VinFuture Đặc biệt cho tác giả nghiên cứu hoặc phát minh mang tính tiên phong trong lĩnh vực mới.
Một Hội đồng Giải thưởng độc lập sẽ chịu trách nhiệm xét chọn người đạt giải từ các đề cử. Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà phát minh uy tín quốc tế đến từ các tổ chức giáo dục, nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Những thành tựu và đóng góp trong lĩnh vực khoa học – công nghệ của các thành viên Hội đồng Giải thưởng đã được ghi nhận trên phạm vi toàn cầu, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại. Có thể kể tới như Giáo sư Gérard Mourou, Đại học Bách Khoa Pháp – người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018; Giáo sư Sir Richard Henry Friend – Giáo sư Vật lý Cavendish tại Đại học Cambridge; Giáo sư Jennifer Tour Chayes – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Microsoft, Phó hiệu trưởng Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội, Đại học California, Berkeley; Giáo sư Michael Porter, Đại học Harvard, cha đẻ học thuyết “chiến lược cạnh tranh toàn cầu”; Giáo sư Sir Kostya S. Novoselov, Đại học Manchester – người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2010 ở tuổi 36…
Nguồn: FB NguoiBL
Leave a Comment